CHIA SẺ KINH NGHIỆM-CUỘC THI FUTURE READY ASEAN 2019
THÔNG TIN SƠ LƯỢC VỀ CUỘC THI FUTURE READY ASEAN :
Future Ready ASEAN do ASEAN foundation hợp tác cùng Microsoft và Empire Code khởi xướng nhằm ứng dụng công nghệ để giải quyết vấn đề xã hội ở các nước ASEAN. Cuộc thi lần đầu tiên tổ chức từ năm 2019, với chủ đề tạo một website về phát triển bền vững. Năm 2020 dự kiến sẽ hướng đến phân tích và khai thác dữ liệu – một trong những keyword của thế kỷ số hiện nay.
Sau đây là bài chia sẻ kinh nghiệm về cuộc thi FUTURE READY ASEAN 2019 từ anh Phạm Thái Nghị – Mentor của đại diện Việt Nam – một trong 9 đội tham dự vòng Chung kết khu vực năm 2019 tại Bangkok. Anh Nghị đã dành thời gian để đúc kết một số kinh nghiệm và lưu ý khi tham gia cuộc thi, đặc biệt đối với các bạn đang đắn đo về vị trí Mentor.
Cuộc thi sẽ mở đăng ký vào khoảng đầu tháng 9, nên các bạn cùng đọc với Scholarship EZ để có sự chuẩn bị thật tốt nhé!
Trước hết, anh có thể chia sẻ về background cũng như vị trí công việc hiện tại không ạ ?
Hiện anh là sinh viên năm 4 chương trình Tiên Tiến của Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM, đồng thời đang công tác ở VNG với vai trò Software developer.
Nhờ cơ duyên nào anh biết đến cuộc thi Future Ready ASEAN và tham gia với vai trò Mentor?
Anh biết đến Future Ready ASEAN thông qua dõi fanpage của ASEAN Foundation, nhưng ban đầu chưa có ý định tham gia. Sau đó anh được hai bạn học khóa dưới anh hồi cấp 3 ngỏ ý mời làm Mentor nên quyết định thử sức với cuộc thi.
Em được biết hai bạn trong team anh không đến từ chuyên ngành công nghệ, điều này đã tạo nên ưu thế và bất lợi gì so với các team khác?
Nhờ background đa dạng nên nhóm cân đối cả kỹ thuật, nội dung lẫn tính thẩm mỹ khi thiết kế. Tuy nhiên, các bạn ấy không thiên về kỹ thuật nên gặpthử thách đòi hỏi học kiến thức mới thì mất nhiều thời gian hơn một tí
Nhóm đã quản lý thời gian và phân chia công việc như thế nào để hoàn thành sản phẩm, tính từ lúc thành lập đến khi nộp bài?
Bọn anh có tầm 2 tháng để lên ý tưởng, chuẩn bị nội dung, thiết kế giao diện và code. Các thành viên đều học tập và công tác ở nơi khác nhau nên nhóm chỉ hoạt động online thôi, vì thế anh ưu tiên phân việc theo thế mạnh từng người: Một bạn thiết kế và trình bày web, bạn kia thu thập nội dung và biên tập lại bằng tiếng Anh, còn anh chủ yếu fix bug và hỗ trợ những phần khó về kỹ thuật.
Tiêu chí đánh giá vòng loại năm 2019 là 30% nội dung, 30% giao diện, 30% code và 10% hướng dẫn (nguyên văn là Instructions). Anh có thể giải thích rõ hơn về tiêu chí này?
Năm nay đề có sự thay đổi nên anh nghĩ barem điểm cũng sẽ khác, nhưng mình cần đảm bảo thể hiện đúng yêu cầu của đề bài để không mất điểm oan.
Anh đánh giá thế nào về mức độ cạnh tranh để tham gia Vòng Chung kết?
Mỗi nước ASEAN sẽ chọn 1 nhóm đại diện tham dự vòng cuối cùng. Anh không rõ về tổng số bài nộp của Việt Nam năm 2019, nhưng anh nghĩ khi tham gia các bạn cứ làm hết sức mình là tốt rồi.
Format Vòng Chung kết có điểm gì khác với vòng loại ạ?
Cách thức tổ chức vòng cuối là dạng Hackathon trong một buổi với đề hoàn toàn khác.
Năm 2019 bọn anh được yêu cầu ứng dụng Facial Recognition API của Azure để tạo ảnh hưởng đến cộng đồng và thuyết trình về ý tưởng đó. Theo góc nhìn của anh thì vòng cuối cần kiến thức và kỹ năng thiên về xã hội hơn, các bạn cần hiểu được cơ chế hoạt động của một công nghệ và đề xuất dự án áp dụng công nghệ ấy.
Anh nghĩ đây là một yếu tố cần cân nhắc khi các bạn lập nhóm tham gia vào các năm sau. Nhóm nên có thành viên có background kỹ thuật để vượt qua vòng loại và hiểu được đề bài vòng chung kết. Tuy nhiên, mục tiêu cuối cùng của cuộc thi là đề xuất giải pháp cho vấn đề cộng đồng ở các nước ASEAN bằng khoa học công nghệ, nên nhóm cần hài hòa về cả kỹ thuật, kiến thức xã hội và kỹ năng phản biện, thuyết trình.
Anh đã dẫn dắt team chiến thắng trở thành đại diện Việt Nam tham dự Chung kết khu vực ở Bangkok khi vẫn là sinh viên năm 3. Từ kinh nghiệm của mình, anh nhận thấy một Mentor nên chuẩn bị những kiến thức, kỹ năng nào để hỗ trợ tốt nhất cho team?
Trong cuộc thi, vị trí Mentor có thể được đảm nhận bởi sinh viên, giảng viên hoặc người đã đi làm trong độ tuổi 15 – 35. Để hoàn thành tốt vai trò, anh nghĩ Mentor nên có kiến thức về phát triển web, càng vững càng tốt để gỡ rối kịp thời các lỗi về lập trình. Mentor cũng cần nắm bắt mối quan tâm của Ban giám khảo để định hướng team hợp lý.
Lấy ví dụ khi đề xuất dự án trong vòng chung kết, đôi khi mình cần chú trọng vào độ ảnh hưởng của ý tưởng đối với xã hội hơn là khả năng thực hiện nó trên thực tế. Anh nghĩ có thể yếu tố trên sẽ thay đổi theo từng năm, nhưng việc phân tích được pain point của giám khảo sẽ giúp team đạt kết quả tốt hơn.
Anh có thể chia sẻ kỷ niệm đặc biệt trong quá trình 2 tháng làm việc nhóm cũng như đến Bangkok thi Chung kết không?
Như anh đã chia sẻ, do các thành viên ở nơi khác nhau nên nhóm không gặp mặt trực tiếp đến tận dịp đi Bangkok. Kỷ niệm thú vị nhất chắc là lúc nộp bài vòng loại, nhóm anh nộp bài tận sát deadline, mà lại nộp nhầm bài nên phải gửi mail xin nộp lại.
Chuyến đi Bangkok team được ban tổ chức cover các chi phí về vé máy bay và chỗ ở, nên nhóm cũng tranh thủ dành chút thời gian đi tham quan và giải trí luôn.
Cuối cùng, anh có nhắn nhủ gì đối với các bạn thí sinh của Future Ready ASEAN 2020 không?
Các bạn cứ tự tin tham gia và thể hiện hết khả năng của mình, điều bất ngờ có thể sẽ đến vào phút chót.
Rất cảm ơn anh Nghị đã dành thời gian cho buổi phỏng vấn và hy vọng các kinh nghiệm trên sẽ mang lại các bài học quý báu cho cộng đồng săn học bổng Scholarship EZ. Mong rằng các thành viên của Scholarship EZ sẽ phấn đấu trở thành đại diện Việt Nam tham dự Future Ready ASEAN trong năm 2020.
Link tham khảo thông tin về cuộc thi: https://bit.ly/3fi0koY