Bởi mình nghĩ rằng cho đi là nhận lại, và mình đã học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm từ các anh chị đi trước, nên mình quyết định sẽ viết bài chia sẻ về hành trình tìm việc tại Singapore của mình nhằm giúp các bạn có thể lên kế hoạch tìm việc hiệu quả và phù hợp nhất.
Cảm ơn chị Aster a star đã chia sẻ bài đọc lý thú này về tìm việc ở Singapore đến các bạn đọc ở Scholarship EZ
Bạn sẽ học được gì?
- 1 1. Giới thiệu sơ qua về background của mình khi bắt đầu tìm việc tại Singapore
- 2 2. Work Holiday Pass – tấm vé để mình tìm việc ở Singapore
- 3 3. Mình đã tìm việc ở Singapore như thế nào?
- 4 4. Tổng kết
1. Giới thiệu sơ qua về background của mình khi bắt đầu tìm việc tại Singapore
– Tốt nghiệp BA Banking and Finance tại Việt Nam năm 2018
– Tốt nghiệp MSc Finance tại UK năm 2019
– Kinh nghiệm làm việc:
o 3 tháng thực tập, 12 tháng làm part-time và 7 tháng làm full-time tại 1 công ty tài chính, khối công nghệ ở Việt Nam.
o 5 tháng thực tập full-time vị trí nghiên cứu thị trường tại 1 MNC của Mỹ ở Singapore
o Hiện đang là Research Associate tại 1 trường đại học ở Singapore
2. Work Holiday Pass – tấm vé để mình tìm việc ở Singapore
Mặc dù cố gắng xin việc full-time tại Sing từ khi hoàn thành xong luận văn Thạc sĩ (tháng 8/2019), kết quả mình nhận được là một con số 0 tròn trĩnh. Sau đó mình chuyển qua kế hoạch 2: xin Work Holiday Pass ở Singapore và tìm một vị trí internship song song với tìm việc full-time.
Work Holiday Pass (WHP) là visa cho phép bạn ở lại Sing 6 tháng để làm việc, áp dụng cho ứng viên 18-25 tuổi đang học/đã tốt nghiệp từ 10 vùng/nước phát triển, gồm có: Úc, Pháp, Đức, Hồng Kông, Nhật Bản, Hà Lan, New Zealand, Thụy Sỹ, vương quốc Anh và Mỹ. Tuy nhiên chỉ có 2000 người được cấp loại visa này tại 1 thời điểm nên cũng tương đối… hên xui và cạnh tranh. Chi tiết về điều kiện cũng như cách thức đăng ký xem tại đây
Lợi thế của WHP là công ty không cần sponsor bạn, bạn cũng có thể làm cho nhiều hơn 1 công ty và tranh thủ thời gian đó kiếm việc làm, chờ HR công ty mới làm paperworks cho bạn (nếu bạn tìm được việc) mà vẫn ở lại Singapore hợp pháp.
Trường hợp của mình không biết là hên hay xui khi mà kẹt lại tại Singapore sau khi WHP hết hạn nên không quay về VN được. (Trong mùa dịch này, MOM – Ministry of Manpower khuyến cáo rằng việc cấp work pass mới cho ứng viên đang sinh sống bên ngoài Singapore là cực kì hạn chế, và khuyến khích các công ty tuyển người đang sống tại Singapore). Ngoài ra, nếu performance của bạn tốt, công ty có nhu cầu mở rộng quy mô và công ty còn quota tuyển người nước ngoài thì bạn cũng có cơ hội làm việc full-time sau kì intern luôn.
Khi mình tìm hiểu về loại work pass này, trên một số diễn đàn các bạn thường hỏi là có offer thực tập rồi mà WHP không còn quota thì làm như thế nào? Câu trả lời cho trường hợp trên là chờ đến khi có quota để apply WHP lại hoặc employer phải apply loại work pass khác cho bạn (điều này thường khó và mất thời gian hơn).
Do đó để tránh việc bị động như trên, tốt nhất bạn nên lên kế hoạch xin WHP sớm. Khi WHP của bạn được MOM approve, thì bạn sẽ có 1 IPA letter. IPA letter này có hạn 3 tháng (có thể thay đổi dựa vào quy định mới nhất mùa dịch) và trong 3 tháng đó bạn phải đến Singapore, đến MOM (chính xác hơn là Employment Pass Services Centre) để đăng kí thẻ. Sau khi có IPA letter rồi thì apply việc sẽ nhiều công ty gọi hơn ^^ (như trường hợp của mình).
Về việc xin internship, bạn có thể xin bất cứ khi nào và nếu công ty nhận bạn, bạn sẽ dùng IPA letter như đã đề cập bên trên để sang Sing làm thẻ và bắt đầu đi làm. Hoặc bạn cũng có thể sang trước rồi mới tìm việc ở Singapore. Lưu ý rằng với việc sang Sing trước khi có offer, bạn nên có một kế hoạch rõ ràng về thời gian, ngân sách và backup plans bởi nếu chưa thể tìm được việc ngay sau khi đến Sing, bạn có thể bị stress bởi chi phí đắt đỏ ở đây.
Mặc dù Singapore thuế thu nhập thấp, ăn uống tương đối rẻ nhưng giá thuê nhà và đi lại thì không. Ví dụ trong trường hợp tiết kiệm, một phòng share 2-3 người vị trí không trung tâm lắm giá khoảng 350 SGD/tháng, phòng đơn thì 600-700 SGD/tháng, đi lại 100 SGD, ăn uống 200-300 SGD/tháng… Đó là chưa kể các khoản khác bạn cần chi khi mới đến để settle cuộc sống. Mình không tìm hiểu về các công việc part-time như chạy bàn, thu ngân,… nên không rõ về vấn đề này.
Lương intern ở Sing thì sao? Cái này thì tùy thuộc vào công ty. Các bạn có thể lên glassdoor để tham khảo thêm nếu apply vào các công ty lớn vì thường họ tuyển nhiều nên nhiều review hơn hẳn ^^ Mình xem qua trên internsg thì thấy thông thường lương dao động từ 700-1200 SGD/tháng, và không rõ các công ty lớn với scheme riêng thì như thế nào. Với mức này nếu bạn ăn ở hết sức tiết kiệm thì đủ sống. Trong trường hợp của mình thì mình lấy thóc giống ra ăn, tức lấy savings khi còn ở UK để trang trải thêm một phần
Học bổng toàn phần Đại học Thiết kế và Công nghệ Singapore 2021
3. Mình đã tìm việc ở Singapore như thế nào?
Mình không giỏi networking nên cứ chăm chỉ rải hồ sơ thôi ^^ Một vài trang mình hay theo dõi gồm có internsg (chuyên đăng tin tuyển intern), glassdoor, jobstreet, linkedin và xem trực tiếp trên các trang tuyển dụng của công ty. Các trang này cũng hay crawl tin tuyển dụng của nhau nên các bạn theo dõi một vài trang là đủ ^^
Một số job khi click vào nút “apply” sẽ đưa bạn đến website của My Careers Future. Trang này của chính phủ Sing lập ra để đảm bảo thông tin tuyển dụng được các bạn local biết đến và apply. Các công ty muốn xin work pass cho bạn thì phải đăng lên trang này 28 ngày và chứng minh không có ứng viên local phù hợp.
Quy định này áp dụng từ 01/10/2020 (trước đó SPass không cần đăng lên website này còn EPass thì chỉ cần 14 ngày. SPass và EPass là 2 loại visa thông dụng nhất dành cho lao động Việt Nam). Do đó bạn đừng nản mà hãy vào trang web của công ty để xem công ty còn đang tuyển không nha.
Nếu không còn tuyển có nghĩa là vị trí đó gần như đã có người được chọn và công ty đăng lên cho phù hợp với quy định mà thôi. Còn nếu họ vẫn đang tuyển thì ngại gì mà không apply khi nó hợp với bạn? xD
Một số kinh nghiệm bản thân mình rút ra:
– Việc chuẩn bị sim Sing trước đó để đưa lên hồ sơ là optional. Kinh nghiệm này mình đọc được từ một bài post rất lâu trước đây. Mình đã nhờ bạn mua giúp sim Sing từ trước khi đi du học UK nên không rõ việc để số điện thoại UK/VN trên CV có ảnh hưởng gì khác không.
LƯU Ý là ở Sing tính cước khi bạn nhận-điện-thoại nên nếu bạn đang ở bên ngoài Sing thì cái này vô cùng đắt đỏ. Mình luôn có 1 bài với HR rằng “em đang ở nước ngoài, anh/chị có thể email/skype với em được không?” để tiết kiệm chi phí. Có một chị HR còn gọi từ Sing tới số UK của mình để phone interview nữa, còn lại hầu hết phỏng vấn mình qua các nền tảng trực tuyến khác.
– Đừng hoang mang khi thấy yêu cầu trong JD khác so với những gì bạn đã làm. Khi chuẩn bị cho phỏng vấn, mình đã tìm thêm được nhiều điểm chung giữa yêu cầu công việc và kinh nghiệm của bản thân để khẳng định với interviewer là mình có năng lực và phù hợp với vị trí đó.
Kết quả là mình phỏng vấn 5 lần (với hiring managers) cho vị trí intern thì trượt 3, từ chối 1 và đồng ý 1. Còn lần duy nhất phỏng vấn cho việc full-time thì mình có offer rất nhanh với package tốt hơn mình nghĩ nhiều.
Công việc full-time mình nhận hóa ra có những yêu cầu cực kì match với những gì mình đã học/làm ở trường đại học cũng như ở 2 công ty cũ nhưng cũng có những thử thách mới cho mình. Thế nhưng lúc nộp hồ sơ, mình chỉ bê nguyên bộ resume – cover letter đã chuẩn bị sẵn từ nửa năm trước (có sửa đổi câu chữ chừng 5% chứ không hoàn toàn là customised lại hết) để nộp và không hy vọng nhiều vì thấy ôi sao job khó quá, title cao thế sao mình với tới được. Vậy nên cứ nhắm job nào bạn đạt 60-70% yêu cầu là có thể cân nhắc nộp rồi ha.
– Đưa ra câu hỏi với nhà tuyển dụng một cách có chiến lược. Điều này nhiều chỗ cũng đã chia sẻ rồi, nhưng với vị trí intern-entry level-associate thì mình nghĩ có câu hỏi sau có thể áp dụng với hầu hết trường hợp, đó là “What do you see as the most challenging aspect of this job?”
Khi hiring manager trả lời câu hỏi, bạn có thể biết được mình sẽ phải làm gì, đối mặt với những gì để chuẩn bị. Đồng thời bạn cũng gửi “tín hiệu” rằng bạn sẵn sàng với công việc và các thử thách nên muốn biết chúng sẽ như thế nào. Một câu hỏi khác là “What’s your favorite part about working at the company?” sẽ giúp bạn hiểu sâu về văn hóa công ty hơn.
Câu hỏi này đã gây ấn tượng với hiring manager đến nỗi trong thư chia tay mình sau 5 tháng làm việc, chị ấy còn nhắc lại chuyện này luôn. À nhưng câu hỏi này mình thấy hơi kì cục cho vị trí full-time mình apply nên đã không hỏi
– Luôn follow up sau phỏng vấn. Tất nhiên không phải công ty nào cũng reply lại những email đó (mình thấy công ty nhỏ hay làm vậy hơn?) nhưng chỉ cần một vài lời khuyên chân thành là bạn đã có thể nhìn nhận lại bản thân và lên kế hoạch để cải thiện các khuyết điểm đang có.
Sau này trong kì intern, mình cũng trao đổi thêm với manager là hồi phỏng vấn với công ty X, mình bị nhận xét là còn thiếu sót cái A, cái B và sau đó được manager trao cơ hội và giúp đỡ mình cải thiện chúng.
– Luôn chiến đấu tới phút cuối cùng. Mặc dù mình đang chờ chuyến bay nhân đạo để về nước nhưng vẫn cố gắng nộp hồ sơ mỗi ngày. Số lượng job mình nộp hồ sơ rất lớn nhưng chỉ có khoảng 20 công ty liên hệ lại và sau đó hầu hết thì từ chối vì lý do visa.
Một mẹo nhỏ là càng đến cuối cuộc phỏng vấn, bạn và interviewers nói chuyện càng casual thì khả năng bạn được nhận tương đối cao. Mình được hỏi là đang sống ở khu nào, có relationship nào ở Sing không, bf làm gì,… hay bác sếp còn đùa rằng bác là người gây khó khăn cho mọi người nhất chứ không phải những gì chị manager vừa kể khi trả lời follow up question của mình.
Mình không có kinh nghiệm xin việc qua agency, nhưng hồi kí hợp đồng thực tập qua agency (khi ứng tuyển thì làm việc trực tiếp với in-house HR nhưng hợp đồng với agency), mình có hỏi và được biết là các agency cũng có quota riêng để tuyển người nước ngoài nhưng vì có giới hạn nên họ ưu tiên tuyển người local hơn.
Khi nộp hồ sơ ứng tuyển bạn cũng nên chú ý xem mình nộp qua agency hay trực tiếp với công ty nha. Mình chắc không may mắn lắm khi chỉ được agency gọi đúng 1 lần, xong bên đó lúc biết mình cần sponsor cũng hơi lưỡng lự chút nhưng vẫn process vòng sau với mình, còn lại các agency khác đều cho mình ăn quả bơ luôn.
4. Tổng kết
Tính đến thời điểm này, với trải nghiệm cá nhân thì mình thấy các quy định ở Singapore đều rõ ràng chặt chẽ, hầu hết đều có trên website chính thức của các bộ/cơ quan. Còn nếu bạn vẫn có vướng mắc thì có thể chat/email/gọi điện để được giúp đỡ rất nhiệt tình. Thông tin về các loại work pass, giấy tờ, thời gian process và các FAQ đều có trên website của MOM. Các bạn có thể chủ động lên đó tham khảo nhé.
Hiện nay tìm việc ở Singapore tương đối khó khăn do kinh tế suy thoái, MOM cắt giảm quota cho lao động nước ngoài, tăng mức lương tối thiểu để cấp work pass (và mức lương tối thiểu này sẽ tăng theo số năm kinh nghiệm của ứng viên, còn tăng lên đến bao nhiêu thì MOM không nói).
Trong thời gian cao điểm mùa dịch (khoảng tháng 3-9/2020), rất nhiều công ty không nhận ứng viên đang sống ngoài Singapore vì những trở ngại trong việc xin work pass cũng như giấy phép cho họ nhập cảnh. Tuy nhiên mình hy vọng tình hình sẽ sớm ổn định trở lại và bài viết này có thể có ích cho các bạn có nhu cầu tìm việc ở Singapore. Các bạn có câu hỏi gì thì comment ở dưới nhé, mình sẽ cố gắng trả lời trong sự hiểu biết của bản thân.
ĐỌC THÊM: Hồng Ngọc – học viên đỗ 2 chương trình thực tập của Big4