Thi ứng tuyển Management Trainee cũng giống như ứng tuyển học bổng “khóa học Quản lý” tại tập đoàn lớn: cũng nộp hồ sơ, đi phỏng vấn, nhưng lại chẳng có nơi nào dạy kỹ năng “apply” đặc thù này. Nhân dịp một số các chương trình Quản trị viên Tập sự của các tập đoàn đa quốc gia như Unilever đang mở, Phương có tổng hợp một số tips cho một kỹ năng cực kì quan trọng, hy vọng sẽ giúp các bạn tự tin hơn trên hành trình ứng tuyển của mình và có thể chuẩn bị tốt cho kì phỏng vấn MT sắp tới nhé.
1. Không chỉ liệt kê và tập trước, hãy tùy chỉnh câu chuyện của bản thân
Nên nhớ rằng, Interviewer không kiểm tra xem bạn có thuộc sứ mệnh, văn hóa, mô tả công việc v.v công ty hay không, mà họ kiểm tra để xem bạn có phù hợp với những yếu tố đó của công ty đến mức nào. Vì vậy sau khi nắm rõ được những yếu tố này, bạn nên tùy chỉnh câu chuyện của mình để làm sao phô bày được những khía cạnh đó của bản thân.
Ví dụ: Unilever thì có 4 giá trị lớn là Pioneering, Respect, Responsibility & Integrity. Nếu bạn thấy mình cũng có những điểm tương đồng với văn hóa này thì có thể chuẩn bị những câu chuyện để chứng minh.
Cái bạn cần chứng minh không phải là mình giỏi, mà chính là bản thân hiểu và phù hợp với công ty, vị trí đến mức nào.
Sau khi nghiên cứu, liệt kê, hãy lưu lại mọi thứ trên 1 file sheet/docs rồi lấy đó làm tài liệu luyện tập và sử dụng cho nhiều thật nhiều lần tiếp theo.
2. Tuyệt đối không lan man: dùng framework và số liệu cụ thể
Khi kể một câu chuyện, bạn luôn muốn đảm bảo 2 yếu tố: Nội dung – logic, đúng trọng tâm và Hình thức kể – gãy gọn. Có 2 phương pháp sẽ giúp bạn đạt được 2 điều này: mô hình STAR và minh chứng dưới dạng số liệu cụ thể.
Mô hình STAR là công cụ sẽ giúp thoát khỏi “trap” lan man, đặc biệt là câu hỏi Hành vi (Behavioral Question):
• Situation: Một sự kiện, dự án, hoặc một thử thách phải đối mặt.
• Task: Những trách nhiệm của bạn và những yêu cầu về tình huống
• Action: Các bước hoặc quy trình để khắc phục tình hình.
• Result: Kết quả của các hành động đã làm.
Và sử dụng mô hình STAR hay không, bạn cũng nên gắn mỗi luận điểm với minh chứng cụ thể, nếu được số hóa, định lượng hóa thì càng tốt. Câu trả lời có cấu trúc mạch lạc và có bằng chứng cụ thể sẽ giúp Interviewer dễ “follow” bạn, cảm thấy chân thực hơn và cũng cảm nhận được sự chuẩn bị kĩ lưỡng của bạn.
3. Sẵn sàng cho những câu hỏi case study
Trước đây, format interview bao gồm giải case chỉ gắn liền với format phỏng vấn cast interview của các Consulting firms. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, các công ty đã bắt đầu đưa những case study ngắn vào phần phỏng vấn để đánh giá technical skills của thí sinh.
Vì vậy nếu được. bạn hãy tìm hiểu dạng case trong câu hỏi của công ty đó (qua người quen, qua các bài review trên mạng,v.v), đọc các bài viếtvới từ khóa “How to approach a case study” và sưu tầm case study để luyện trước. Đặc biệt, nên luyện các case study liên quan đến vị trí mình ứng tuyển. Ví dụ: Apply HR thì nên tìm case HR để luyện.
4. Luôn trung thực
Sự thực là ngay cả khi dạy Interview học bổng, Phương cũng luôn nhắc đi nhắc lại với các bạn học viên rằng: có thể ở mỗi nơi, giá trị, văn hóa, yêu cầu ở ứng viên là mỗi khác, nhưng có một điểm chung chắc chắn là không tổ chức nào chấp nhận một con người thể hiện sai sự thật về bản thân.
Thứ nhất, Interviewer họ đủ kỹ năng để biết bạn đang nói dối hay đang “thêm mắm dặm muối” khoe khoang. Thứ hai, kể cả bạn có lọt qua các vòng thi tuyển, bạn cũng sẽ chẳng phát triển trong một môi trường không phù hợp với mình và nhanh chóng bị đào thải. Cuối cùng, bạn làm mất thời gian của Interviewer, của công ty và của chính mình.
Phương tin rằng, chuẩn bị thì chẳng bao giờ là đủ và mong rằng bài viết của mình sẽ cung cấp một số gợi ý hiệu quả để các bạn thể hiện bản thân một cách tốt nhất.