Chuẩn bị đề cương nghiên cứu hay Research Proposal (RP) là yêu cầu bắt buộc đối với học bổng sau đại học. Vậy làm thế nào để chuẩn bị 1 RP tốt và làm mạnh hồ sơ của mình? Dưới đây là bài viết chia sẻ kinh nghiệm của tác giả Nguyễn Dương Hoàn.
Tìm hiểu thêm: Cách viết Research Proposal – Đề cương nghiên cứu
Đây là 1 vài kinh nghiệm bản thân đúc kết được trong quá trình chinh phục học bổng của bản thân.
RP là một đề cương trình bày đề tài hay hướng nghiên cứu của bản thân. Với RP, mình muốn cho hội đồng xét duyệt thấy rõ mình sẽ làm nghiên cứu gì, làm ra sao, và nó có đóng góp gì cho thực tiễn. Quá trình hoàn thiện 1 RP của mình gồm 3 bước như sau: lên ý tưởng, soạn thảo đề cương, hiệu chỉnh.
Bạn sẽ học được gì?
- 1
Bước 1: Lên ý tưởng - 2
Bước 2: Soạn thảo chi tiết Research Proposal- 2.1
1. Giới thiệu – Introduction - 2.2 2. Mục tiêu nghiên cứu – Research aims
- 2.3 3. Phương pháp nghiên cứu – Research methodologies
- 2.4 4. Kế hoạch nghiên cứu – Research plan
- 2.5 5. Reference
- 2.1
- 3 Bước 3: Hiệu chỉnh
- 3.1 Tạm kết:
Bước 1: Lên ý tưởng
Trước khi bắt tay vào việc chuẩn bị đề cương nghiên cứu, mình liên tục tìm kiếm ý tưởng bằng việc đọc các bài báo khoa học của các giáo sư mình muốn làm việc cùng. Các ý tưởng và hướng nghiên cứu của họ thường sẽ xuất hiện ngay ở phần tóm tắt (abstract) và kết luận (conclusion). Mình ghi lại các ý tưởng này và liên kết chúng với kiến thức của bản thân. Mình tự hỏi, “liệu có thể áp dụng điều này vào điều kia hay không?”, “kiến thức của mình có thể giải quyết được câu hỏi mà các bài báo kia mong muốn giải quyết không?” Cuối cùng mình chọn ra ý tưởng mới (lấy làm tên đề tài), vừa kết hợp hiểu biết của bản thân, vừa đi theo hướng của giáo sư hướng dẫn.
Bước 2: Soạn thảo chi tiết Research Proposal
Việc đầu tiên cần làm ở giai đoạn này là xác định cấu trúc 1 RP. Tùy vào trường bạn nộp hồ sơ, đề cương của bạn có thể có các cấu trúc khác nhau. Tuy nhiên, nhìn chung, 1 đề cương sẽ cần có những phần sau đây:
1. Giới thiệu – Introduction
Theo kinh nghiệm bản thân, phần giới thiệu chính là phần quan trọng nhất trong việc chuẩn bị đề cương nghiên cứu, quyết định 1 đề cương nghiên cứu tốt. Trong phần này mình thường trình bày sơ lược các nghiên cứu gần nhất, các ý tưởng, kết quả và hạn chế của các phương pháp hiện tại. Từ đó, mình nêu lên ý tưởng của bản thân và triển vọng đóng góp của ý tưởng này trong tương lai ra sao.
2. Mục tiêu nghiên cứu – Research aims
Phần này mình tóm gọn các kết quả mong muốn đạt được từ nghiên cứu.
3. Phương pháp nghiên cứu – Research methodologies
Tùy vào từng đề cương cụ thể mình liệt kê các phương pháp nghiên cứu phù hợp. Nhìn chung, có 2 phương pháp hay được sử dụng trong nghiên cứu nhất là phương pháp lý thuyết và phương pháp thực nghiệm. Mình thường chọn kết hợp cả 2 phương pháp.
4. Kế hoạch nghiên cứu – Research plan
Trong phần này mình thường lên 1 bảng kế hoạch bao gồm các mốc thời gian bên trên, các công việc cần thực hiện bên trái. Các ô trống sẽ được tô màu theo mốc thời gian. Các công việc cần thực hiện thường bao gồm việc đọc tài liệu các nghiên cứu liên quan, thực hiện thí nghiệm hay thu thập dữ liệu, phân tích dữ liệu, viết báo và luận văn.
5. Reference
Phần này đơn giản chỉ là việc liệt kê lại các tài liệu mình đã tham khảo và có trích dẫn trong đề cương. Mình thường dùng phần mềm Endnote để trích dẫn tự động.
Bước 3: Hiệu chỉnh
Đây là bước khá quan trọng và mình thường làm lại bước này nhiều lần. Để hiệu chỉnh hiệu quả, mình thường nhờ các tiền bối, đôi khi là nhờ cả giáo sư – mình muốn làm việc cùng xem qua và góp ý. Ở bước này, có nhiều lần mình phải quay lại bước 1 để chọn ra ý tưởng khác. Lúc đầu, mình cảm thấy khá thất vọng và chán nản; nhưng nhiều lần thành thói quen, mình cảm thấy thoải mái hơn và RP của mình trở nên thuyết phục hơn sau mỗi lần hiệu chỉnh. Trong giai đoạn này mình hay hỏi bản thân rằng: “Nếu mình là người xét hồ sơ, RP này có đủ sức thuyết phục mình hay không?”
Trên đây là sơ lược về kinh nghiệm soạn thảo, chuẩn bị đề cương nghiên cứu của bản thân mình. Tùy vào ngành học và trường của các bạn mà cấu trúc đề cương có thể khác đi. Đề cương nộp ở bước xin học bổng này có thể là đề tài bạn sẽ theo đuổi trong quá trình học nhưng cũng có thể sẽ được thay đổi khi bạn tham gia khóa học. Vì vậy, bạn có thể thỏa thích viết và lên ý tưởng trên trời, dưới đất. Miễn là ý tưởng có đóng góp thiết thực, bạn sẽ thuyết phục được hội đồng xét duyệt mà thôi!
Tạm kết:
Đối với mình, hoàn thiện 1 đề cương nghiên cứu cũng là xác định mục tiêu học tập của bản thân. Khi bạn biết rõ mình muốn làm điều gì thì chắc chắn bạn sẽ làm được!
Nguồn: Nguyễn Dương Hoàn
Tìm hiểu thêm: Cách viết Research Proposal – Đề cương nghiên cứu
Scholarship EZ cám ơn tác giả Nguyễn Dương Hoàn đã chia sẻ kinh nghiệm chuẩn bị đề cương nghiên cứu của anh!